Một trong những yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh cho các nhà kinh doanh đó là lựa chọn được vị trí, địa điểm bán hàng lý tưởng. Đó cũng là một trong 4P quan trọng nhất khi bắt đầu kinh doanh – Price (giá cả), Product (Sản phẩm), Promotion (Quảng cáo) và Place (Vị trí). Vị trí chính là nơi phân phối sản phẩm, tại đây khách hàng sẽ được tiếp nhận sản phẩm và dịch vụ từ bạn, đây cũng là yếu tố tồn tại lâu nhất trong 4P cần được chú ý đúng mức.
Vai trò của mặt bằng kinh doanh
Mặt bằng kinh doanh có ảnh hưởng trực tiếp đến 50% sự thành công của một cơ sở kinh doanh. Phần còn lại được chia đều cho các yếu tố khác như hiệu quả quảng bá, giá cả, chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Một mặt bằng tốt không chỉ giúp thu hút khách hàng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, từ đó thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận.
Ảnh hưởng của vị trí
Vị trí của mặt bằng là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công. Mặt bằng nằm ở những khu vực đông dân cư, giao thông thuận tiện, hoặc gần các trung tâm thương mại lớn thường sẽ thu hút nhiều khách hàng hơn. Điều này giúp giảm chi phí quảng cáo và tiếp thị, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh doanh.
*Những yếu tố quan trọng khi lựa chọn mặt bằng kinh doanh
Chỗ để xe
Rất nhiều người thường bỏ qua hoặc bỏ quên yếu tố này. Tuy nhiên đây là yếu tố tiên quyết bắt buộc phải tính tới khi thuê mặt bằng kinh doanh. Nó quyết định đến công suất bán hàng tại quán của 1 cửa hàng.
Ví dụ: bạn mở ra 1 quán mà sức chứa 100 – 150 người. Ngày khai trương bạn đón 100 khách cùng 1 thời điểm và khách đều đi xe máy & 2 người đi chung 1 chiếc xe thì sẽ có ít nhất 50 chiếc xe cần gửi của khách. Và nếu 1 quán có diện tích lớn mà chúng ta không có bãi xe, hoặc chỉ để được 10 – 20 chiếc thì không khác nào bạn tự đuổi khách của mình.
Một bài học kinh nghiệm điển hình, ở những quán lớn như The Coffee House, với đặc điểm khách hay ngồi lại làm việc và học tập rất lâu, chính vì vậy nhu cầu bãi xe của TCH rất lớn. TCH luôn cố gắng xử lý bãi xe một cách tốt nhất: tạo không gian giữ xe trước quán, thuê bãi xe kế bên quán, dành riêng tầng trệt để giữ xe máy.
Diện tích đóng vai trò quyết định
Nếu chọn mặt bằng không đủ diện tích thì giá thuê rẻ cũng thua. Vì bạn không đủ không gian trưng bày hàng hóa cũng như thu hút khách hàng. Phải xác định được diện tích và độ rộng mặt bằng tối thiểu là bao nhiêu? Chiều ngang mặt bằng sẽ quyết định độ lớn của bảng hiệu. Nó cũng ảnh hưởng trực tiếp tới mức độ nhận diện và niềm tin của khách hàng.
Một mặt bằng kinh doanh rộng và ngắn thì tốt hơn là hẹp và dài, dù cả hai đều có cùng diện tích. Thông thường khi cho thuê mặt bằng, chủ nhà hay chừa một lối đi bên hông để họ vào nhà sau. Một mẹo nhỏ để bạn tăng diện tiếp xúc với khách hàng là xin phép chủ nhà cho bạn làm bảng hiệu băng qua phía trên lối đi của họ. Như vậy, bạn không phải trả thêm tiền mà vẫn có một cửa hàng trông rất to khi nhìn từ bên ngoài.
Sự thuận tiện của vị trí mặt bằng kinh doanh
Vị trí bạn chọn có dễ dàng để khách ghé qua. Tiêu chí này liên quan tới một số yếu tố mà bạn cần xem xét kỹ như: tốc độ lưu thông trên đường nhanh hay chậm? khi muốn tấp xe vào lề, khách hàng có gặp nguy hiểm không? đường có dải phân cách cứng không? nếu có dải phân cách, thì khách bên kia đường sẽ qua bên này đường ở chỗ nào, cự ly bao xa?
Nếu khách hàng đi xe gắn máy, vỉa hè có dễ dàng để lái xe lên không? Phía trước có bao nhiêu chỗ để xe cho khách hàng sau khi đã dành chỗ cho xe của nhân viên? Nếu khách đi xe ôtô, đường có cấm đậu, cấm dừng không? Với hàng tá những vấn đề như vậy. Thì bạn cũng tự thấy được phải chọn vị trí sao cho thuận tiện nhất có thể rồi chứ.
Giá thuê và chi phí khác
Giá thuê thường bị tác động bởi các yếu tố ở trên, bạn cần phải xem xét mức độ phù hợp của nhu cầu và các yếu tố ở trên. Cùng với đó, giá thuê phải phù hợp với mặt bằng và vị trí, cần xem xét các chi phí phát sinh khác như chi phí bảo trì, phí quảng cáo, điện nước, vệ sinh,...
Khả năng tiếp cận và an ninh
Cuối cùng, khả năng tiếp cận và an ninh của mặt bằng là rất quan trọng. Mặt bằng nên có các yếu tố bảo mật và an ninh tốt để đảm bảo an toàn cho tài sản và hàng hóa của bạn. Hãy kiểm tra các hệ thống an ninh như camera giám sát, hệ thống báo động và các biện pháp bảo vệ khác.
Đồng thời, hãy xem xét khả năng tiếp cận mặt bằng cho nhân viên và khách hàng. Mặt bằng nên dễ dàng tiếp cận bằng các phương tiện giao thông công cộng hoặc có bãi đỗ xe thuận tiện. Điều này không chỉ cải thiện sự thoải mái cho khách hàng mà còn giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Tóm lại, chọn lựa mặt bằng kinh doanh là một quyết định quan trọng có ảnh hưởng lớn đến sự thành công của doanh nghiệp. Bằng cách cân nhắc các yếu tố như vị trí, chất lượng, địa hình, chi phí và các yêu cầu đặc thù của ngành kinh doanh, bạn có thể chọn được mặt bằng phù hợp giúp tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh và đạt được mục tiêu dài hạn.
Tác giả: Hồng Đức (sưu tầm, tổng hợp)