Tiền SQUID ra đời ăn theo bộ phim Squid Game của Hàn Quốc. Ảnh: IDMB
Theo đài RT, thị trường tiền số đã bị các chính phủ khắp thế giới quản lý chặt chẽ sau khi phát triển thành một ngành khổng lồ với nhiều khu vực được sử dụng để khai thác tiền, nhiều sàn giao dịch tiền số nộp đơn xin phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, các nhà đầu tư lớn quan tâm tới giao dịch tiền số.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, tiền số đã thu hút tội phạm mạng và nhiều nhà đầu tư đã mắc bẫy lừa đảo.
Mới đây nhất, đồng tiền số SQUID ăn theo bộ phim Hàn Quốc nổi tiếng “Squid Game” là một ví dụ. Những kẻ ẩn danh tạo ra đồng tiền này để thu hút người dùng sử dụng tiền SQUID để chơi các trò chơi. Sau khi tăng giá trị tới 83.000%, đồng SQUID đạt mức giá đỉnh 2.861 USD, rồi đột ngột lao xuống 0 USD, khiến các nhà đầu tư tay trắng. Những kẻ lừa đảo đã biến mất với 3,38 triệu USD lấy từ các nhà đầu tư. Trước đó, khi đồng tiền SQUID tăng giá chóng mặt, đã có nhiều cảnh báo lừa đảo. Một trong những dấu hiệu cảnh báo lớn nhất là quy định mua SQUID nhưng không thể bán được đồng tiền này. Tuy nhiên, nhiều người vẫn mù quáng đổ tiền vào đây.
Trước SQUID, thế giới đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo liên quan tiền số.
Vụ BitConnect
BitConnect là một nền tảng nguồn mở, bị nghi sử dụng mô hình lừa đảo Ponzi ngay từ ngày đầu tiên tồn tại. BitConnect có cấu trúc tiếp thị đa tầng và hứa hẹn mức lãi suất cao phi lý khoảng 1% hàng ngày.
Sàn giao dịch tiền ảo vận hành ẩn danh này đã bị đóng cửa hồi tháng 1/2018 sau khi các quản trị viên nền tảng hoàn lại khoản đầu tư của người dùng bằng đồng BitConnect (BCC). Giá trị của BCC, từng thuộc 20 đồng tiền số thành công nhất thế giới, đã tụt xuống dưới 1 USD so với mức cao gần 500 USD trước đó.
Đầu năm 2021, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) đã kiện BitConnect và nhà sáng lập Ấn Độ Statish Kumbhani. Ngoài ra, SEC cũng kiện Glen Arcaro, người quảng bá đồng tiền này ở Mỹ và Future Money Ltd, công ty mà Arcaro thành lập để lừa mọi người tham gia chương trình cho vay của BitConnect. SEC cáo buộc BitConnect lừa các nhà đầu tư Mỹ tổng cộng 2 tỷ USD.
Vụ PlusToken
Ra mắt tháng 4/2018, PlusToken là mô hình Ponzi chủ yếu liên quan nhà đầu tư Trung Quốc và Hàn Quốc. Các sáng lập viên PlusToken ra mắt mã token liên quan được gọi là Plus. PlusToken hứa hẹn thành toán hàng tháng cho người dùng ví tiền số này.
Tổng lượng tiền số mà PlusToken thu hút có trị giá từ 2 tới 2,9 tỷ USD. Việc bán tiền số từ PlusToken được cho là nguyên nhân gây sụt giá đồng Bitcoin.
Năm 2020, Bộ Công an Trung Quốc thông báo đã bắt giữ 27 nghi phạm chính và 82 thành viên chủ chốt của PlusToken. Về sau, các trùm đường dây lừa đảo liên quan PlusToken bị phạt tù từ 2 tới 11 năm.
Vụ iFan và Pincoin
iFan và Pincoin do một nhóm lừa đảo ở Việt Nam thành lập, dùng một công ty tên là Modern Tech làm đại diện và nói rằng đó là các dự án bắt nguồn từ Ấn Độ và Singapore. Nhóm lừa đảo dùng Modern Tech để tổ chức các sự kiện lớn, thu hút hàng triệu đô la tiền đầu tư, chỉ yếu dưới dạng Bitcoin và Ethereum, trong vòng vài tháng.
Công ty này tuyên bố được nhiều người nổi tiếng hậu thuẫn và nói rằng nhiều người trong số đó dùng một nền tảng mạng xã hội dựa trên các token này. Các token của iFan và Pincoin được quảng bá là giúp xây dựng cầu nối giữa ngôi sao và người hâm mộ. Mô hình này cam kết lợi nhuận 48%/tháng với khoản đầu tư ban đầu.
Sau đó, mô hình sụp đổ khi một số người nổi tiếng có hình ảnh xuất hiện trong tài liệu tiếp thị tố cáo rằng hình ảnh của họ bị sử dụng không phép và họ không liên quan tới iFan và Pincoin.
Tuy nhiên, các sáng lập viên đã biến mất khi Modern Tech thu hút được tổng cộng 660 triệu USD và nền tảng này không phản hồi với đề nghị liên lạc. Gần 32.000 người đã sập bẫy của Modern Tech.
Nguồn: Báo Tin Tức