Tờ Bloomberg đưa tin, Trung Quốc mong muốn TikTok vẫn thuộc quyền sở hữu của ByteDance. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc cũng đang xem xét phương án chuyển nhượng mảng TikTok tại thị trường Mỹ cho Elon Musk.
Đây như một phần trong kế hoạch hợp tác rộng rãi hơn với chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Nếu kịch bản này xảy ra, công ty X của Musk sẽ tiếp quản TikTok Mỹ với 170 triệu người dùng và khoản doanh thu quảng cáo khổng lồ đi kèm.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của TikTok đã gọi thông tin này là "hoàn toàn bịa đặt" khi trả lời tờ Variety. Bài báo của Bloomberg cũng chỉ ra rằng hiện chưa rõ liệu ByteDance và TikTok có biết về những thảo luận của phía Trung Quốc liên quan đến việc bán công ty cho Musk hay không.
Giới thạo tin còn cho biết, trong phiên điều trần ngày 10/1, các thẩm phán đã ngụ ý rằng họ có thể giữ nguyên luật này. Trước viễn cảnh đó, các quan chức cấp cao Trung Quốc đã bắt đầu thảo luận các phương án dự phòng cho TikTok. Trong đó có phương án bán TikTok Mỹ cho Elon Musk.
Ảnh minh hoạ.
Mặc dù chính quyền Bắc Kinh ưu tiên giữ TikTok trong tay ByteDance, họ cũng nhận thức được việc phải đàm phán một cách khó khăn với chính quyền Trump về nhiều vấn đề như thuế quan, kiểm soát xuất khẩu. Do đó, thương vụ bán TikTok được xem như một lĩnh vực tiềm năng để hòa giải mối quan hệ.
Vào tháng 4/2024, Tổng thống Joe Biden ký đạo luật yêu cầu ByteDance - công ty mẹ của TikTok, phải bán lại hoạt động của ứng dụng này tại Mỹ trước ngày 19/1, nếu không sẽ bị cấm.
TikTok và ByteDance sau đó khởi kiện đạo luật, cho rằng nó vi phạm Tu chính án thứ nhất về quyền tự do ngôn luận. Mạng xã hội này có khoảng 170 triệu người dùng tại Mỹ.
Đến 6/12/2024, Tòa phúc thẩm D.C (Tòa Phúc thẩm Liên bang Đặc khu Columbia, một trong 13 tòa phúc thẩm liên bang của Mỹ) bác đơn kiện của TikTok. Họ kết luận chính phủ hành động chỉ để bảo vệ quyền tự do ngôn luận khỏi một quốc gia đối địch nước ngoài và hạn chế khả năng dữ liệu về người Mỹ bị thu thập.
Hai nguyên đơn trong vụ kiện sau đó tiếp tục kháng cáo lên Tòa án Tối cao. Tuần trước, Tòa án Tối cao phát tín hiệu nghiêng về khả năng ủng hộ lệnh cấm TikTok nếu không bán lại hoạt động kinh doanh trước ngày 19/1. Họ cũng lập luận dựa trên các lo ngại về an ninh quốc gia.
Giá trị của TikTok tại Mỹ được ước tính khoảng 40-50 tỷ USD, theo các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence. Đây là một con số lớn ngay cả với người giàu nhất thế giới như Musk.
Việc thực hiện một giao dịch như vậy có thể buộc Musk phải bán bớt tài sản khác và cũng chưa chắc được chính phủ Mỹ thông qua. Trước đó, Musk đã mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD vào năm 2022 và vẫn đang trả khoản vay khổng lồ từ thương vụ này.
Bù lại, người giàu nhất hành tinh có hình ảnh tích cực trong mắt nhiều nhân viên ByteDance tại Trung Quốc. Ông được xem như một doanh nhân thành công với kinh nghiệm hợp tác với chính phủ Trung Quốc thông qua công ty xe điện Tesla.
Với tư cách là người giàu nhất thế giới và hoạt động kinh doanh ở cả 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Elon Musk đang có khả năng tác động rất nhiều đến mối quan hệ Mỹ-Trung. Tesla đã xây dựng nhà máy quy mô lớn tại Thượng Hải vào năm 2019, trở thành cơ sở sản xuất lớn nhất của công ty. Điều này không chỉ giúp Tesla tăng thị phần tại Trung Quốc mà còn xây dựng thiện chí với chính quyền nước này, Bloomberg nhận định.
Ngoài Musk, một số bên khác cũng đã bày tỏ quan tâm đến TikTok Mỹ. Dự án Liberty của tỷ phú Frank McCourt và nhà đầu tư Kevin O’Leary đã tham gia đàm phán với Trump về việc mua lại TikTok. Trước đó, Microsoft và Oracle cũng từng cân nhắc thương vụ liên quan đến ứng dụng này.
Tác giả: Châu An Bình