Năm 2011, tôi có mua một thửa đất ở Huyện Củ chi, TP.HCM với giá là 4,7 tỷ. Thửa đất này mặt tiền rất đẹp nhưng nằm trong khu dân cư vẫn thưa người nên vẫn bỏ hoang. Lúc đó gia đình tôi vẫn sinh sống ngoài Hà Nội.
Vào một ngày cuối năm đó, rất bất ngờ là tôi nhận được cuộc đt từ Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an TP.HCM hỏi thăm tình hình và thông báo thửa đất của tôi đã bị bán và đang liên quan đến một vụ án lừa đảo. Thật không thể tin được!.
Tôi là chủ đất, sổ đỏ bản chính tôi vẫn cầm, trước đó tôi chưa hề ký giấy bán cho ai. Vậy tại sao đất của tôi ngang nhiên bị bán? Vụ lừa đảo này liên quan gì tới tôi và tôi có bị mất quyền sử dụng đất không?.
Thú thực, biết là rất vô lý nhưng không tránh khỏi lo lắng. Vì vậy tôi nhanh chóng bay vào TP.HCM để trực tiếp hợp tác với cơ quan điều tra. Sau khi tiếp xúc với cơ quan điều tra và đặc biệt là nạn nhân bị lừa đảo thì sự việc dần hé lộ.
Theo lời kể của nạn nhân thì bác ấy là cựu Chủ tịch một phường thuộc TP.HCM và đã về hưu. Điều này cho thấy bác ấy không phải là loại “gà” mờ về luật và các thủ tục sang tên đổi chủ. Thậm chí còn là người rất tinh thông. Vậy tại sao vẫn bị lừa?.
Chủ đất yêu cầu trả tiền ngay khi công chứng chứ không đặt cọc vì phải từ Hà Nội bay vào và đang rất cần tiền. Vốn hiểu biết luật và rất cẩn thận nên bác ấy đã đồng ý với điều kiện chỉ trả tiền khi công chứng xong và sẽ giữ lại 100 triệu khi nào sang tên sổ đỏ xong mới trả hết (xin lưu ý đây là cách giao dịch mà gần như tất cả các cuộc mua bán nhà đất ở Việt Nam đang thực hiện).
Mọi việc diễn ra nhanh chóng và thuận lợi cho đến khi bác ấy nộp hồ sơ lên Phòng Tài nguyên và Môi trường để sang tên, thì bị Phòng Tài nguyên và Môi trường phát hiện bất thường và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra và lúc này thì mọi việc đã quá muộn.
Tất nhiên lúc này bác ấy không thể liên lạc được với người bán. Vụ án lừa đảo được Công an TP.HCM khởi tố.Theo điều tra viên phụ trách thì bằng cách nào đó kẻ gian đã có được thông tin cá nhân đầy đủ của tôi và thửa đất (cái này thì cũng không khó, vì trước đó, sau khi mua đất xong, tôi có gửi hồ sơ photo ở dịch vụ để nhờ họ làm thủ tục xin giấy phép xây dựng).
Sau đó, chúng làm giả Chứng minh nhân dân (CMND) mang tên tôi, ngang nhiên có dán ảnh của người đứng ra bán vào (cái này ở Việt Nam thì quá dễ vì rất nhiều người cần tiền và thiếu hiểu biết sẽ sẵn sàng đứng ra làm ngay khi được trả cho mấy triệu), hộ khẩu, giấy chứng nhận độc thân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đặc biệt là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này phôi lại là thật, vậy nên dễ dàng qua được mặt công chứng viên, vì công chứng viên chỉ hay soi sổ đỏ mà ít để ý đến CMND hay hộ khẩu).
Điều tra viên giải thích, là do bọn lừa đảo có trong tay phôi thật do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo mẫu và chỉ có tính pháp lý khi được các sở, Phòng Tài nguyên và Môi trường in thông tin. Vừa qua có một số vụ mất số lượng lớn phôi chính, nên đã tạo điều kiện cho kẻ gian lừa đảo. Chúng sử dụng các phôi chính này in thông tin có thật muốn lừa đảo lên (từ số thửa, tờ bản đồ, bản vẽ, tên chủ đất...), sau đó thuê người đứng ra bán.
Người được thuê, được chúng làm giả CMND, hộ khẩu, giấy độc thân nhưng dán ảnh thật. Vì vậy, Phòng công chứng rất khó phát hiện. Thủ đoạn ngắm đến là các thửa đất chủ ở xa, vắng hàng xóm xung quanh để người mua khó dò thông tin thực địa. Đánh vào tâm lý tham rẻ nên thường bán rẻ hơn thị trường một chút. Người mua rất dễ dính đòn vì tin tưởng tuyệt đối vào Phòng công chứng, vào soi quy hoạch (chúng bao công chứng xong mới trả tiền, cho soi quy hoạch thoải mái).
Vậy Phòng công chứng, đã công chứng sổ đỏ giả thì trách nhiệm thế nào?. Quay lại câu chuyện bác cựu Chủ tịch phường, nạn nhân đã khởi kiện Phòng công chứng ra Tòa án huyện Củ Chi đòi bồi thường thiệt hại. Kết quả là phòng công chứng vô tội!.
Theo giải thích của Tòa án thì luật quy định Phòng công chứng là nơi xem xét các điều kiện đủ để chứng thực các thực thể đồng thuận ký kết hợp đồng mua bán. Chứ không có trách nhiệm và cũng không đủ điều kiện để phát hiện giấy tờ liên quan là giả hay thật, bản án chuẩn y kể cả ở cấp phúc thẩm.
Như vậy, là đừng bao giờ chúng ta nghĩ đơn giản rằng các cuộc mua bán bất động sản đã thành công khi công chứng xong. Nếu đọc kỹ các bản hợp đồng chuyển nhượng BĐS do Phòng công chứng soạn, chúng ta sẽ thấy không bao giờ họ ghi công nhận đủ giấy tờ đã hợp lệ và đã chứng kiến hai bên giao tiền, họ chỉ chứng thực hai bên đồng thuận mua và bán.
Qua kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy rằng BĐS ở Việt Nam là tài sản rất lớn, nhiều khi là cả đời tích góp. Nhưng mua bán BĐS ở Việt Nam quá khứ và hiện tại chắc chắn vẫn có những rủi ro mà cho dù bạn có là ai, nếu không có kinh nghiệm vẫn dễ (dính đòn) như thường!.
Với các vụ án như này thì kẻ đứng ra ký bán do có ảnh và chữ ký thật vẫn còn lưu, rất có thể sớm bị Công an sẽ... tóm!. Nhưng những kẻ ôm tiền đứng đằng sau vụ việc thì rất khó. Kể cả có bắt được thì khổ chủ cũng rất ít hy vọng lấy lại được tiền.
Vụ việc này tôi không liên quan và quyền sử dụng đất không bị ảnh hưởng, nhưng người bị hại thì mất trắng 3,4 tỷ đồng và tiền án phí. Hy vọng thủ tục pháp lý của chúng ta ngày càng hiện đại và hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó, người mua cũng phải tỉnh táo, hiểu biết, hoặc nhờ người có kinh nghiệm tư vấn khi thực hiện các thủ tục mua bán BĐS. Đặc biệt cẩn thận các dấu hiệu bất thường như: quá rẻ, thái độ của người bán, khu vực vị trí BĐS... tất cả những điều trên sẽ giúp cho mọi người đỡ được rủi ro hơn các bác ạ!
Nguồn: Group An Cư