KienlongBank tặng học bổng, trang thiết bị giáo dục và xây mới trường học tại Thanh Hoá, Kiên Giang…
Hòa chung trong không khí tưng bừng chào đón năm học mới của trường, ngày 05/9/2022, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) cùng với Ban Lãnh đạo trường PTDTBT THCS Trung Thượng (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá) tổ chức chương trình “Chắp cánh ước mơ xanh, cùng em tiến bước tới trường”. Là một trường vùng núi thuộc mảnh đất xứ Thanh giàu truyền thống hiếu học, thầy và trò trường Trung Thượng luôn nỗ lực vượt khó và giành được những thành tích xuất sắc trong học tập cũng như công tác giảng dạy.
Bà Trần Thị Thu Hằng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kiên Long đại diện trao tặng Phòng máy tính cho Ban Lãnh đạo trường PTDTBT THCS Trung Thượng.
Thấu hiểu những khó khăn trong công tác giảng dạy và học tập tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng thời trợ giúp các em học sinh và thầy cô trong hoạt động tiếp cận những nguồn tri thức mới, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Kiên Long đã dành tặng những suất học bổng, phòng máy tính và các trang thiết bị phục vụ việc học tập của các em học sinh và nâng cao chất lượng giảng dạy của các thầy cô giáo trong nhà trường.
Phát biểu với trường tại buổi lễ trao tặng, bà Trần Thị Thu Hằng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kiên Long nhấn mạnh: “KienlongBank gửi gắm trong mỗi phần quà là những niềm tin vững chắc với các em học sinh, mong muốn các em sẽ bay cao, bay xa, xứng đáng là người con của quê hương xứ Thanh “địa linh nhân kiệt”.
Những suất học bổng được Ngân hàng Kiên Long trao tặng đến những em học sinh nghèo có thành tích vượt khó trong học tập.
Với mong muốn đóng góp để nâng cao chất lượng đào tạo tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, những địa điểm khó khăn trên cả nước, KienlongBank đã và đang lên kế hoạch xây dựng và trao tặng các điểm trường học đạt chuẩn thông qua việc xây dựng và đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc dạy và học tại các nhà trường. Theo kế hoạch, KienlongBank và đối tác chiến lược SCG sẽ khởi công vào tháng 9/2022 việc xây dựng công trình tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang, với tổng kinh phí tài trợ lên đến 1.000.000.000 đồng.
Khi công trình thư viện hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo điều kiện phục vụ cho việc dạy và học của thầy trò trường PT DTNT tỉnh Kiên Giang. Chia sẻ về ý nghĩa của các hoạt động này, đại diện Ngân hàng Kiên Long cho biết “Song song với việc phát triển kinh doanh, Kiên Long luôn quan tâm tới việc thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR). Thông qua mỗi hoạt động, Kiên Long mong muốn góp phần mang đến một môi trường học đường an toàn, lành mạnh và cùng chung tay xóa sạch những điểm trường khó khăn đang còn tồn tại trên Việt Nam.”
Đại diện KienlongBank và SCG trao tặng công trình kỷ niệm 30 năm thành lập trường PTDTNT tỉnh Kiên Giang.
Triển khai chương trình hỗ trợ 1000 “ngân hàng thông minh” (STM), KienlongBank đồng hành cùng Chính phủ xây dựng “nông thôn số" cho vùng sâu, vùng xa
Không chỉ dừng lại ở các hoạt động khuyến học, trong suốt hành trình 27 năm hình thành và phát triển, KienlongBank luôn tổ chức các hoạt động hướng hướng tới lợi ích toàn dân và cộng đồng. Hàng loạt chương trình như trao tặng quà Tết cho các bà con có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng nhà tình nghĩa cho các cựu chiến binh tỉnh Rạch Giá; trao tặng các căn nhà tình nghĩa tại tỉnh Long An hay chung sức vào các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo… được tổ chức hàng năm đã mang đến hình ảnh về một Ngân hàng Tâm - Tín - Kiên - Xanh và gần gũi hơn với cuộc sống của người dân Việt.
Hoạt động trao tặng quà Tết 2022 cho bà con tỉnh Bình Dương.
Với mong muốn đồng hành cũng Chính phủ trong công tác xây dựng nông thôn mới, bằng việc tiết giảm tối đa những thủ tục rườm rà, rút ngắn thời hạn thẩm định giải ngân vốn, KienlongBank đã và đang đẩy mạnh các hoạt động cấp tín dụng cho các cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp đủ điều kiện tại các tỉnh thành trên cả nước. Bằng việc đa dạng các gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất dành cho các đối tượng khác nhau, KienlongBank cam kết trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân trong việc phát triển kinh tế, phục hồi sản xuất sau đại dịch.
Mặt khác, để xóa nhòa khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giúp người dân vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận công nghệ mới, phát triển đồng đều ba trụ cột Kinh tế số - Chính phủ số - Xã hội số theo định hướng chung của Chính phủ, trong chiến lược số hóa chung toàn hàng công tác xây dựng “nông thôn số” được xem như là giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm mà KienlongBank đang hướng đến.
Theo đó, KienlongBank đã hợp tác cùng Tập đoàn Công nghệ Unicloud (Unicloud) xây dựng kế hoạch nhằm gia tăng nhận thức về các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho dân cư tại những nơi bị hạn chế về khả năng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính thông thường. Trong chiến lược dài hạn, hai bên đặt mục tiêu triển khai 1.000 hệ thống máy giao dịch ngân hàng tự động (STM), khơi thông dòng chảy trong việc tiếp cận các dịch vụ công, thuận tiện trong việc tiếp cận tài chính số của người dân vùng nông thôn.
Được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu từ những thói quen cũng như hành vi của phần lớn người dân tại các vùng nông thôn, mỗi máy STM sẽ được trang bị đầy đủ các chức năng nghiệp vụ của một phòng giao dịch ngân hàng truyền thống. Thay vì phải nhân rộng mô hình các phòng giao dịch như hiện nay, với STM, người dân có thể thực hiện mở tài khoản thông qua công nghệ eKYC (xác thực danh tính bằng CCCD gắn chíp hoặc tĩnh mạch đạt độ chính xác cao nhất tại Việt Nam hiện nay); mở thẻ bằng mã QR; ký hợp đồng; tư vấn; thanh toán; nộp lệ phí dịch vụ hành chính công…
Đồng thời, máy STM còn được tích hợp thêm tính năng video call, máy in và scan nhằm hỗ trợ đắc lực cho người dân thực hiện 24/7 các giao dịch đòi hỏi phải có chữ ký tươi mà không cần phải gặp mặt trực tiếp giao dịch viên. Không cần giao dịch viên hay đội ngũ hỗ trợ trực tiếp, STM trao quyền cho người dân để tự phục vụ các nhu cầu giao dịch của mình mà vẫn dễ sử dụng, phù hợp với khu vực nông thôn và miền núi.
1.000 máy STM được KienlongBank dự kiến triển khai tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa trong thời gian tới.
Nếu được khai thác tối đa các tính năng, thì STM hoàn toàn có thể hỗ trợ đắc lực cho công tác số hoá dịch vụ công, góp phần không nhỏ trong việc rút ngắn được quy trình, tiết kiệm được thời gian khi thay vì phải đến tận trung tâm hành chính công (bộ phận "một cửa" của xã) trong giờ làm việc hành chính, thì người dân có thể thực hiện được một số thủ tục dịch vụ công thông qua STM đặt tại các địa bàn gần hơn vào bất cứ lúc nào.
Đặt trong bài toán tổng thể (chi phí lắp đặt một máy STM tiết kiệm hơn nhiều chỉ riêng chi phí mở một phòng giao dịch), trong điều kiện có sự cùng tham gia của ngân hàng và các cấp chính quyền tại địa phương, thì người dân chính là đối tượng được hưởng lợi lớn nhất trong việc được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng đa tiện ích cũng như các dịch vụ công.
Máy giao dịch STM đảm nhiệm vai trò tương đương với một quầy giao dịch truyền thống.
Cho đến nay, STM là máy giao dịch ngân hàng tự động duy nhất được sản xuất hoàn toàn trong nước, từ thiết bị phần cứng đến phần mềm đều vượt qua chứng thực bảo mật thẻ của Mỹ (EMV Level 2), chứng chỉ VCCS của NAPAS... đảm bảo an toàn trong vận hành, đủ sức cạnh tranh về giá thành và tính năng trên thị trường. Tự chủ phần mềm và khả năng tùy biến phần cứng, hệ thống máy STM trở thành một máy giao dịch ngân hàng đa tiện ích đi sâu vào thực tiễn và đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng, giúp định hình thói quen và hành vi của người dùng trong thời đại số hóa.
Không chỉ hoạt động trong vai trò một ngân hàng số tiên phong trong việc ứng dụng và triển khai những công nghệ mới để tối đa hoá lợi ích và đáp ứng nhu cầu của nhiều bộ phần khách hàng, KienlongBank đã và đang phát triển, hoàn thiện để trở thành một ngân hàng số toàn dân, gắn liền lợi ích của người dân đối với hoạt động của Ngân hàng, đưa Ngân hàng trở thành cầu nối mang những sản phẩm dịch vụ tài chính đến với mọi nhà.
Tác giả: Hồng Hạnh