HoREA tán thành Thông tư số 06/2023 bổ sung khoản 8 Điều 8 Thông tư số 39/2016, trong đó quy định tổ chức tín dụng không được cho vay “để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom” là đúng và phù hợp với quy định.
Tuy nhiên, HoREA cho rằng việc quy định tổ chức tín dụng không được cho vay “để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), công ty hợp danh” là chưa phù hợp thực tế, chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Bởi vì, theo các quy định pháp luật thì nhà đầu tư có nhu cầu vay vốn sử dụng vào mục đích hợp pháp, mà hoạt động “góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty TNHH, công ty hợp danh” là hoạt động hợp pháp. Nhu cầu vay vốn sử dụng vào mục đích hợp pháp, chính đáng nên nhà đầu tư được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng theo quy định của pháp luật về tín dụng.
Do vậy, Hiệp hội nhận thấy, khoản 8 Điều 8 Thông tư 39/2016 quy định tổ chức tín dụng không được cho vay “để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty TNHH, công ty hợp danh” là chưa phù hợp, chưa đồng bộ, thống nhất với Luật Đầu tư 2020, Luật các tổ chức tín dụng 2010, khoản 2 Điều 5 Nghị định 153/2020 và với cả điểm a khoản 2 Điều 22 Thông tư số 39/2016 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN).
Về phía khách hàng và việc sử dụng vốn vay: Nguồn trả nợ của khách hàng phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiền từ chủ đầu tư (hoàn trả vốn góp và lợi tức); giá trị khoản vay khá lớn, khách hàng vay có thể là các doanh nghiệp mới thành lập, không có nguồn trả nợ nào khác, hoặc nếu có nguồn trả nợ khác thì không đáng kể so với số tiền vay vốn.
Trên thực tế, bên nhận vốn góp sử dụng khoản vay góp vốn của khách hàng tại TCTD phần lớn để kinh doanh/khai thác vào các dự án; trong khi các dự án này chưa đảm bảo tính pháp lý, chưa đủ điều kiện triển khai theo quy định của pháp luật. Trường hợp rủi ro xảy ra, do dự án chưa đảm bảo tính pháp lý, việc xử lý tài sản đảm bảo sẽ phát sinh rất nhiều vướng mắc và khó xử lý”.
Tuy nhiên, HoREA cho rằng, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 25 Luật Đầu tư 2020 và theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 25 Luật Đầu tư 2020.
Nhà đầu tư mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây: Mua phần vốn góp của thành viên công ty TNHH để trở thành thành viên của công ty TNHH. Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh”.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 về “tài sản góp vốn” thì “Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam (VNĐ), ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng VNĐ.
Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật”.
Theo quy định trên đây thì “tài sản góp vốn” để hình thành “vốn điều lệ” của “công ty TNHH, công ty hợp danh” có thể bằng tiền “VNĐ” (tiền mặt hoặc chuyển khoản) mà nguồn “tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty TNHH, công ty hợp danh” bằng tiền “VNĐ” nếu được vay từ tổ chức tín dụng thì vẫn “phản ánh chính xác năng lực tài chính của công ty”.
Bởi lẽ, phần vốn góp của nhà đầu tư bằng tiền “VNĐ” vào “công ty TNHH, công ty hợp danh” trong trường hợp này là “tiền thật” nên “vốn điều lệ” cũng là “vốn thật” và sẽ không xảy ra tình trạng “nếu hình thành từ vốn vay sẽ phản ánh không chính xác năng lực tài chính của công ty”.
Cũng theo HoREA, còn việc nhà đầu tư có nhu cầu vay khoản tín dụng này thì phải chứng minh năng lực tài chính, khả năng trả nợ, trả lãi vay hoặc phải có tài sản bảo đảm cho khoản vay, nên khoản vay này không gây “rủi ro” cho tổ chức tín dụng và việc góp vốn này không phải là “một trong những hình thức mà khách hàng có thể sử dụng để che giấu hình thức sở hữu lẫn nhau” như giải thích của NHNN.
NHNN nước quan ngại “việc TCTD cho vay đối với nhu cầu vốn này trong nhiều trường hợp tiềm ẩn rủi ro do đây là nhu cầu vốn khó kiểm soát mục đích sử dụng tiền vay do TCTD không kiểm soát được việc sử dụng vốn của bên nhận góp vốn, không có cơ sở để đánh giá thường xuyên đối với tình hình tài chính, tình hình hoạt động, khả năng trả nợ của bên nhận vốn góp”.
Vấn đề đặt ra là cần phải thực hiện giải pháp “kiểm soát rủi ro” chứ không nên vì quan ngại này mà cấm, không cho vay tín dụng, mà giải pháp hiệu quả nhất là tổ chức tín dụng thực hiện hết trách nhiệm về “quyền và nghĩa vụ” của mình được quy định tại Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng 2010 về “xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay”.
Hiệp hội đề nghị NHNN không nên có “định kiến tiêu cực” về “doanh nghiệp mới thành lập”. Bởi vì,“doanh nghiệp mới thành lập” thường do người trẻ khởi nghiệp và cũng có thể do các doanh nhân dày dặn kinh nghiệm thành lập, nhưng mấu chốt là “doanh nghiệp mới thành lập” cũng phải chứng minh được năng lực tài chính, khả năng trả nợ khi tiếp cận tín dụng ngân hàng theo quy định của pháp luật về tín dụng.
HoREA rất chia sẻ quan ngại của NHNN đối với “các dự án chưa đảm bảo tính pháp lý, chưa đủ điều kiện triển khai theo quy định của pháp luật. Trường hợp rủi ro xảy ra, do dự án chưa đảm bảo tính pháp lý, việc xử lý tài sản đảm bảo sẽ phát sinh rất nhiều vướng mắc và khó xử lý”.
Bởi lẽ, trong các năm qua có nhiều dự án đã triển khai thực hiện nhưng lại thuộc diện “rà soát lại pháp lý”, bị dừng triển khai thực hiện, gây khó khăn cho cả chủ đầu tư, tổ chức tín dụng, khách hàng và các đơn vị liên quan. Nhưng, cũng cần nhận thấy rõ nỗ lực của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác xây dựng, hoàn thiện các luật, văn bản dưới luật để tháo gỡ vướng mắc pháp lý của các dự án đầu tư, kể cả xử lý các trường hợp có sai phạm pháp luật.
Để hạn chế “rủi ro pháp lý”, Hiệp hội đề nghị NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét giải quyết cấp tín dụng cho các dự án đầu tư, các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, đô thị “có đủ pháp lý” như đã có “chấp thuận chủ trương đầu tư”, hoặc “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư”, hoặc “phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; Giấy phép xây dựng”, hoặc “quyết định giao đất, cho thuê đất”… thì sẽ không xảy ra tình trạng cấp tín dụng cho “các dự án chưa đảm bảo tính pháp lý, chưa đủ điều kiện triển khai theo quy định của pháp luật” như quan ngại của NHNN.
Do vậy, tại Văn bản 108/2023 ngày 16/07/2023, Hiệp hội đã đề nghị NHNN xem xét sửa đổi Thông tư 06/2023 theo hướng bỏ quy định tổ chức tín dụng không được cho vay đối với nhu cầu vốn “để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty TNHH, công ty hợp danh” Thông tư số 39/2016.
Tác giả: An Bình