Báo cáo quý 3/2021 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho thấy, tổng lượng sản phẩm chào bán trên thị trường cả nước trong quý 3/2021 đạt 35.852 sản phẩm, giao dịch đạt 16.647 sản phẩm, tương đương tỷ lệ hấp thụ 40,9%.
Trong đó, phân khúc nhà ở chung cư số lượng lớn nhất với 7.120 sản phẩm (chiếm 48,6%), tiếp theo là đất nền 5.349 sản phẩm (chiếm 36,5%) và nhà ở thấp tầng 2.178 sản phẩm (chiếm 14,9%). Trong kỳ, toàn bộ nguồn cung trên thị trường đa phần hàng tồn từ các quý trước. Lượng cung cũng như dự án mới rất hạn chế và không có dấu hiện cải thiện và gần như thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Tại thị trường TP.HCM, nơi bị ảnh hưởng nặng nề vì thời gian giãn cách xã hội kéo dài, theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Savills, trong quý 3 vừa qua, tổng nguồn cung sơ cấp khoảng 3.000 căn, giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Theo Savills, ngoài nguồn cung giảm mạnh thì đã có 11 dự án đang tạm ngưng bán hàng. Nguồn cung mới đạt khoảng 350 căn đến từ một dự án mới và các giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu. Nguồn cung giảm mạnh khiến giao dịch của thị trường cũng ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Tổng lượng giao dịch chỉ hơn 400 căn. Chỉ có một điều đáng chú ý là sau nhiều quý tăng giá thì quý 3/2021, thị trường TPHCM chứng kiến sự ổn định về giá bán. Gần 90% các dự án hiện hữu giữ mức giá ổn định. Giai đoạn mới của hai dự án hiện hữu đã tăng giá căn hộ khoảng 5% do những căn mới có tầm nhìn và vị trí đẹp hơn.
Đánh giá về tác động của đợt dịch Covid - 19 lần thứ 4 đối với thị trường bất động sản Việt Nam, Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, đợt dịch lần 4 khiến hầu hết các dự án bất động sản đang triển khai trên cả nước phải dừng xây dựng, thi công vì lệnh giãn cách và đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị.
Nhìn nhận về thị trường 3 tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VARS cho rằng, nguồn cung trên thị trường không có nhiều cải thiện, các dự án đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư (số lượng là rất lớn) chắc chắn vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn chưa thể tham gia thị trường ngay trong thời điểm cuối năm. Số lượng nguồn cung trên toàn thị trường đạt ngưỡng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây và sẽ khó tăng mạnh trong 3 tháng tới. Sự khan hiếm nguồn cung cộng với thuế đất, giá nguyên vật liệu, thiết bị, chi phí nhân công gia tăng có thể khiến giá nhà đất tiếp tục đà tăng trong trong thời gian tới.
Bàn về khả năng hấp thụ của thị trường, ông Đính cho rằng, dù giao dịch sẽ có chuyển biến nhưng trong 3 tháng cuối năm, các doanh nghiệp phát triển bất động sản và các nhà thầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid -19 có thể hồi phục sức khỏe trở lại trạng thái bình thường khoảng 50%. Nhiều doanh nghiệp dịch vụ, môi giới nhà đất đang thực sự suy yếu, chưa thể hồi phục hoạt động ngay trong quý 4/2021 và lượng doanh nghiệp có thể phục hồi ước đạt khoảng 30%.
Theo chuyên gia nghiên cứu thị trường BĐS Trần Khánh Quang, rất khó để kỳ vọng vào kịch bản màu hồng trong 3 tháng cuối năm 2021 đối với thị trường BĐS, đặc biệt là khu vực phía Nam, dù đợt “mở cửa” trở lại trùng vào mùa cao điểm bán hàng cuối năm.
“Dư chấn của đợt dịch lần thứ 4 làm đảo lộn kế hoạch kinh doanh trong ít nhất 6 tháng nữa, đồng nghĩa với việc những tháng cuối năm 2021 và quý I/2022, thị trường BĐS, đặc biệt là thị trường phía Nam vẫn đứng trước phép thử khó khăn, nhiều thách thức hơn” - ông Trần Khánh Quang nhận định.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cũng dự báo, thị trường BĐS sẽ không có đà tăng trưởng ngay lập tức dù kịch bản sống chung với dịch đã được kích hoạt. Nhiều dự án tái khởi công, doanh nghiệp BĐS đang háo hức chờ ngày trở lại triển khai bán hàng, kinh doanh vào dịp cuối năm, thời điểm "vàng" để gia tăng doanh thu.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp BĐS đang phải đối diện là thanh khoản thấp kỷ lục, vì nguồn thu nhập hạn chế của đại đa số người dân trong thời điểm này khiến tình hình thị trường không có nhiều biến động, giao dịch chủ yếu diễn ra từ nhà đầu tư dài hạn.
Tác giả: Hồng Đức