Theo HoREA, số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, thị trường bất động sản thành phố 9 tháng đầu năm 2024 tiếp tục đà tăng trưởng dương +6,7% theo kết quả doanh thu kinh doanh bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 199.155 tỷ đồng, chiếm 60,3% tổng doanh thu “dịch vụ khác”.
Từ số liệu sơ bộ kết quả tổng doanh thu “dịch vụ khác” của 11 tháng đầu năm 2024 của thành phố ước đạt 418.110 tỷ đồng nên Hiệp hội ước thị trường BĐS thành phố 11 tháng đầu năm 2024 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng dương trên dưới +9% do kết quả doanh thu kinh doanh bất động sản trong 11 tháng ước có thể đạt 250.000 tỷ đồng.
Về diễn biến thị trường bất động sản TP.HCM trong giai đoạn 2020 -2024, theo số liệu của Cục Thống kê cho thấy năm 2023 là năm khó khăn nhất và quý 1/2023 là “vùng đáy” của thị trường bất động sản do bị sụt giảm sâu nhất âm đến -16,2%.
Ảnh minh hoạ.
HoREA nhận thấy, kể từ quý 2/2023 đến nay thị trường bất động sản đã bắt đầu phục hồi trở lại, liên tục nhưng với tốc độ chậm theo xu thế khó khăn giảm dần theo thời gian, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, đồng thời các doanh nghiệp bất động sản cũng dần vượt qua khó khăn nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của các cấp có thẩm quyền, điển hình là chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống sau đại dịch Covid -19.
Trong đó, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã giúp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ “hạ cánh mềm”, tạo “cơ chế thỏa thuận” và trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đối với nhà đầu tư; hoặc Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ tín dụng hoặc Thông tư 10/2023/TT-NHNN ngừng thực hiện một số quy định của Thông tư số 06/2023/TT-NHNN đã hỗ trợ hiệu quả cho sự phục hồi của thị trường BĐS.
Đặc biệt là nỗ lực của cả hệ thống chính trị để thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương “Đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất” với quan điểm các chủ thể chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Cụ thể, là trong hai năm 2023-2024, Quốc Hội đã thông qua Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn; sửa đổi các Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và các Nghị quyết 171/2024/QH15 “về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất”; Nghị quyết “Cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, TP.Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hoà” và Nghị quyết “Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội”.
Đồng thời, với việc thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ, các Tổ Công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của một số địa phương, trong đó có Tổ công tác của UBND TP.HCM đã phối hợp, tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, đi đôi với nỗ lực của các doanh nghiệp bất động sản tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm để tồn tại chờ cơ hội phục hồi trở lại.
Điển hình, trong 10 tháng đầu năm 2024, Tổ Công tác 1435 của Thủ tướng Chính phủ đã chuyển đến TP.HCM 64 dự án để được xem xét giải quyết và Tổ Công tác chuyên đề của UBND thành phố đã họp 10 cuộc họp xem xét giải quyết cho 34 dự án, trong đó có 08 dự án đã được giải quyết dứt điểm, còn lại 26 dự án có vướng mắc đang được các Sở, ngành và TP. Thủ Đức tiếp tục xử lý theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 100 dự án BĐS, nhà ở thương mại bị “vướng mắc pháp lý” trên địa bàn thành phố chưa được giải quyết.
Cũng theo HoREA, tất cả những nỗ lực trên đây của các cấp có thẩm quyền, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và sự hợp tác của các nhà đầu tư, khách hàng đã giúp cho thị trường bất động sản vượt qua khó khăn, phục hồi và dần tăng trưởng trở lại trong hai năm qua.
Qua số liệu của Cục Thống kê, có thể đánh giá diễn biến thị trường bất động sản thành phố năm 2023 và 11 tháng đầu năm 2024, như sau:
- Qúy 1/2023 thị trường bất động sản bị âm rất sâu -16,2% và là “vùng đáy” của thị trường trong giai đoạn 2020-2024.
- 06 tháng đầu năm 2023 thị trường bất động sản vẫn còn bị âm -11,5% với xu thế khó khăn giảm dần theo thời gian.
- 09 tháng đầu năm 2023 thị trường bất động sản vẫn còn bị âm -8,7%.Cả năm 2023, thị trường bất động sản vẫn còn bị âm -6,38%.
Quý 1/2024, thị trường bất động sản vẫn còn bị âm -0,5% (nhưng so với quý 1/2023 thì đã tăng trưởng đến 15,7%).
- 06 tháng đầu năm 2024 thị trường bất động sản tăng trưởng dương trở lại +2,94%.
- 09 tháng đầu năm 2024 thị trường bất động sản tiếp tục đà tăng trưởng dương +6,7%, thể hiện qua doanh thu kinh doanh bất động sản 09 tháng đầu năm 2024 đạt 199.155 tỷ đồng chiếm 60,3% tổng doanh thu “dịch vụ khác”.
- 11 tháng đầu năm 2024, Hiệp hội ước thị trường bất động sản có thể tăng trưởng dương trên dưới +9%, thể hiện qua tổng doanh thu “dịch vụ khác” ước đạt 418.110 tỷ đồng do doanh thu kinh doanh bất động sản 9 tháng chiếm 60,3% tổng doanh thu “dịch vụ khác”.
Tác giả: An Bình