Hàng loạt lãnh đạo bị kỷ luật, cách chức
Theo VnExpress.vn, ngày 18/6, Văn phòng Trung ương Đảng thông báo nội dung cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016 - 2021 và một số cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh này.
Theo đó, ông Trần Văn Nam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khoá XIV tỉnh Bình Dương, chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Ông Nam còn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, làm trái chủ trương của Tỉnh uỷ và vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản của Đảng, Nhà nước tại Tổng công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bình Dương (TCT 3/2); buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát; chỉ đạo hợp thức hoá tài liệu để che giấu vi phạm; gây thất thoát lớn tài sản, ngân sách của Đảng, Nhà nước và nhiều cán bộ, đảng viên của tỉnh vi phạm kỷ luật đảng, bị khởi tố hình sự.
Vì vậy, Bộ Chính trị báo cáo và đề nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Trần Văn Nam.
Theo Tuổi Trẻ Online, Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn đề nghị xem xét thi hành kỷ luật đối với: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 – 2020; Ban cán sự Đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 202; Ông Phạm Văn Cành - nguyên phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Ông Trần Thanh Liêm - nguyên phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND tỉnh; Ông Nguyễn Thanh Trúc - phó chủ tịch UBND tỉnh, nguyên chánh Văn phòng UBND tỉnh; Ông Trần Xuân Lâm - chánh Thanh tra tỉnh, nguyên trưởng phòng kinh tế ngành UBND tỉnh.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Văn Đông - bí thư Thành ủy Thủ Dầu Một, nguyên chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương.
Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với hai ông: Võ Văn Lượng (chánh Văn phòng UBND tỉnh, trước đó là phó chánh Văn phòng UBND tỉnh), Ngô Dũng Phương (trưởng Phòng tài chính Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy).
Khai trừ ra khỏi Đảng (các cán bộ này đã bị cơ quan điều tra khởi tố bị can trước đó): Ông Lê Văn Trang, nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương; Ông Võ Thanh Bình, nguyên phó bí thư Đảng ủy, nguyên phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Các nguyên lãnh đạo Tổng công ty 3-2, gồm: Nguyễn Văn Minh, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị; Trần Nguyên Vũ, nguyên tổng giám đốc; Huỳnh Công Phát, nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên thành viên hội đồng thành viên, nguyên phó tổng giám đốc; Huỳnh Thanh Hải, nguyên ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, nguyên phó tổng giám đốc; Nguyễn Thế Sự, nguyên trưởng ban kiểm soát Tổng công ty.
Dự án 43ha và Kim Oanh Group
Theo Tuổi Trẻ Online, sự vào cuộc của các cơ quan trung ương bắt nguồn từ việc chuyển nhượng đất và vốn góp đối với 43ha (dự án khu đô thị Tân Phú) tại phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, từng do Tổng công ty 3-2 quản lý, nay đã thuộc sở hữu của công ty tư nhân.
Thanh tra tỉnh Bình Dương từng vào cuộc nhưng không ban hành được kết luận thanh tra. Vụ việc sau đó được chuyển sang Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương khởi tố vụ án, bắt một số bị can. Tới nay, vụ án đã được chuyển về Bộ Công an thụ lý và được đưa vào danh sách các vụ án do Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Còn theo VnExpress.vn, Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (TCT 3/2) thuộc Tỉnh ủy Bình Dương. Năm 2010, TCT 3/2 ký hợp đồng thỏa thuận với Công ty Âu Lạc thành lập liên doanh Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) với mục đích đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án trên 43 ha đất mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch và đường Võ Văn Kiệt. Trong đó, Công ty Âu Lạc góp 140 tỷ đồng, chiếm 70% vốn điều lệ.
Khu đất này do TCT 3/2 quản lý, gần Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương - vị trí đắc địa bậc nhất của tỉnh.
Năm 2016, TCT 3/2 ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất cho Công ty Tân Phú với giá hơn 250 tỷ đồng, tương đương gần 600.000 đồng một m2. Hai năm sau, công ty này khởi công dự án KDC Tân Phú với 1.210 nền đất và nhà phố liền kể, biệt thự đơn lập, song lập, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng.
Còn theo Báo Công an nhân dân, ngày 29/6/2018, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được đăng ký thay đổi lần thứ 6 thì thông tin chủ sở hữu của Công ty Tân Phú là Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Địa ốc Kim Oanh (Kim Oanh Group).
Tuy nhiên, lúc này với dự án Khu đô thị Tân Phú, ba đơn vị thành viên Kim Oanh Group cùng hợp tác phát triển dự án gồm Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP Hồ Chí Minh (chủ đầu tư), Công ty Cổ phần Xây dựng An Phước Bình Dương (thi công hạ tầng) và Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Oanh (phân phối độc quyền).
Theo quy hoạch, Khu đô thị Tân Phú cung cấp cho thị trường hơn 2.000 sản phẩm đất nền, nhà xây sẵn cùng hệ thống dịch vụ, tiện ích hiện đại phục vụ nhu cầu cuộc sống cư dân. Tuy nhiên, sau khi Công ty Kim Oanh động thổ dự án Khu đô thị Tân Phú, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã buộc dừng thi công do dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư và chưa có giấy phép xây dựng.
Theo VnExpress.vn , kết quả điều tra của Bộ Công an xác định, việc chuyển nhượng khu đất do TCT 3/2 thực hiện không đúng quy định về thẩm định giá, đấu giá tài sản theo Điều 27, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 (về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp) gây thất thoát hơn 126 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 14 người về hành viVi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản công gây thất thoát lãng phí theo Điều 219 BLHS.
Xác định khu đất "vàng" là vật chứng vụ án, nhà chức trách đã tạm giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Công ty Tân Phú quản lý. Hiện vụ án nằm trong diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Tác giả: An Bình (Tổng hợp)