Bỏ học từ nhỏ vì gia cảnh khó khăn
Bà Ba Huân tên thật Phạm Thị Huân (SN 1954), tên thân thương thường được gọi là bà Ba Huân. Bà sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó có 8 người con ở xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Vì gia đình thuộc diện nghèo khó, nên khi học đến lớp 5 thì bà Huân phải bỏ ngang việc học để ở nhà phụ giúp cha mẹ. Năm 14 tuổi, bà theo mẹ tập tành bán trứng gia cầm.
Đến khi 16 tuổi, bà Huân được mẹ giao lại toàn bộ cơ nghiệp. Gọi là cơ nghiệp cho "oách" chứ thực ra, mẹ chỉ truyền nghề, cùng chút vốn liếng ít ỏi. Bà Huân nhớ lại, thời điểm đó, cạnh tranh được với các thương lái gốc Hoa trong vùng là điều không hề dễ. Một mình bà nhỏ tuổi, ít vốn, phải lặn lội đến từng cánh đồng nuôi vịt ở miền Tây để mua tận gốc, bán tận ngọn.
Cũng nhờ chút nhạy bén kinh doanh, càng ngày bà càng gom góp được nhiều ân tình và uy tín từ các nông hộ và những bạn hàng. Vượt sông Tiền, sông Hậu, vựa trứng Ba Huân tiến lên vùng chợ Lớn TP.HCM. Bà Ba có thêm điều kiện để tiếp tục chăm lo cho các em ăn học, trưởng thành.

Sau một thời gian làm ăn khấm khá, đến năm 2001, nữ doanh nhân đã táo bạo nâng cấp vựa trứng gia cầm lên doanh nghiệp: Công ty TNHH Ba Huân. Kể từ đó trở đi, sản phẩm gia cầm và doanh nghiệp trứng gia cầm Ba Huân đã trở thành cái tên không còn xa lạ với người tiêu dùng trong cả nước. Không những thế, sản phẩm trứng Ba Huân còn được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Malaysia…
Năm 2003, trước khủng hoảng dịch cúm gia cầm H5N1, nhiều gia đình nông dân với chuồng trại nuôi gà, vịt lấy trứng truyền thống bỗng chốc phá sản. Không cầm lòng trước thảm cảnh đó, bà Ba Huân đi khắp các nước Châu Âu, Châu Á và dừng chân tại Tập đoàn MOBA Hà Lan - nơi có thiết bị xử lý trứng hàng đầu thế giới.
Bà quyết định đầu tư một dây chuyền công nghệ tự động hóa, xử lý trứng sạch đến 99,9% theo đúng tiêu chuẩn quốc tế với công suất 65.000 trứng/giờ. Năm 2009, do nhu cầu phát triển, công ty đã mua thêm máy xử lý trứng thứ 2, công suất gấp đôi: 120.000 trứng/giờ.
Sự đột phá của Ba Huân đã lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng, không những thế còn rộng đường thâm nhập vào các siêu thị lớn. Ngoài trứng, Ba Huân còn cung cấp thịt gà tươi, lạp xưởng xúc xích, chà bông gà, trứng gà, cút, vịt luộc, bột trứng, bánh flan, một số sản phẩm ăn nhanh từ thịt gà.
Trứng sạch Ba Huân được phân phối rộng rãi trong các hệ thống Metro, Coopmart, Vissan, hệ thống siêu thị từ TP.HCM đến các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.
Ly hôn với quỹ đầu tư VinaCapital
Vào tháng 7/2017, Bà Huân nhận được tin vui khi quỹ đầu tư VinaCapital rót vốn 32,5 triệu USD (khoảng 730 tỷ đồng) vào doanh nghiệp của mình.
Thế nhưng, đến tháng 8/2018, cuộc hôn nhân giữa Ba Huân và VinaCapital xảy ra “trục trặc”. Qua đó, Ba Huân cho rằng phát hiện một số điều khoản mà đơn vị đầu tư đưa ra rất ngặt nghèo, bất lợi.
Cụ thể, quỹ này tự đưa tỉ suất hoàn vốn đầu tư là 22% và giới hạn ngành nghề kinh doanh của Ba Huân chỉ gồm sản xuất, kinh doanh thịt gà và trứng gà, loại bỏ các ngành kinh doanh khác. VinaCapital cũng quy định nếu Ba Huân không đạt được kết quả như trên sẽ bị phạt hoặc yêu cầu trả lại vốn đầu tư, cộng dồn với lãi suất 22% hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một đối tác do quỹ này chỉ định) tối thiểu 51% cổ phần công ty.
Rơi vào tình huống khó xử, bà Phạm Thị Huân đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ chấm dứt hợp tác với Quỹ đầu tư VinaCapital nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, cũng như giúp công ty giữ thương hiệu.
Bà Huân cho rằng thay vì mục tiêu hợp tác và phát triển, VinaCapital lại muốn chiếm quyền quản lý và điều hành toàn bộ công ty, chiếm đoạt thương hiệu Ba Huân. Ngay sau đó, cả hai doanh nghiệp đã tiến hành ngồi lại với nhau. Sau đó, cuộc "ly hôn" của Ba Huân và VinaCapiatal gây nhiều tranh cãi đi đến hồi kết.
Ông Don Lâm, Tổng giám đốc điều hành VinaCapital cho biết, trong lịch sử hơn 15 năm đầu tư tại Việt Nam với hơn 100 công ty đã góp vốn thì đây là thương vụ "trục trặc" hiếm có. Tuy nhiên, bài học rút ra sau thương vụ không thành công này là lẽ ra VinaCapital đã phải sớm dừng hợp tác với Ba Huân chứ không phải để chuyện xảy ra lùm xùm như vậy.
Năm 2012, bà Huân được nhận giải thưởng “100 phụ nữ nổi bật của năm 2012 do The Internationnal Alliance for Women (TIAW) bình chọn vì những đóng góp tích cực cho xã hội, giúp nhiều người phụ nữ phát triển kinh tế. Năm 2014, Bà Phạm Thị Huân vinh dự đón nhận bằng khen "Doanh nhân TP.HCM tiêu biểu 2014" từ lãnh đạo TP.HCM
Ngày 17/10/2016, tại Bangkok (Thái Lan), cơ quan đại diện của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã trao tặng giải thưởng "nông dân điển hình" thế giới cho 5 nông dân được lựa chọn từ 45 quốc gia gồm: Fiji, Mông Cổ, Thái Lan, Pakistan và Việt Nam trong đó có bà Phạm Thị Huân.
Năm 2017, Tạp chí Forbes Việt Nam chính thức bình chọn công bố danh sách 50 Phụ nữ Ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017, ghi nhận 50 gương mặt phụ nữ đang có vai trò nổi bật trong các lĩnh vực hoạt động của họ, bao gồm chính trị, kinh doanh, hoạt động xã hội và từ thiện, khoa học – giáo dục, giải trí, nghệ thuật và thể thao, bà Ba Huân vinh dự được nhận giải thưởng này.
Bà Nguyễn Thị Huân cũng cá nhân đạt danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới giai đoạn 2016 - 2020.
Tác giả: An Bình