Theo Tạp chí Nhà Quản Lý, vừa qua (21/3), ông Cao Hoài Dương – Chủ tịch HĐQT PVOIL đã ký quyết định số 204 về việc cử người đại diện theo ủy quyền của PVOIL tại PVOIL Vũng Áng.
Theo quyết định này, ông Nguyễn Trung Kiên sẽ thôi là người đại diện theo uỷ quyền của Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL) tại Công ty CP Xăng dầu Dầu khí Vũng Áng (PVOIL Vũng Áng) và cũng thôi chức Giám đốc tại đây.
Bên cạnh đó, PVOIL điều động và cử ông Hoàng Nguyên Thanh – Phó ban quản lý Dự án PVOIL, làm Người đại diện theo ủy quyền của PVOIL tại PVOIL Vũng Áng (quản lý hơn 2,9 triệu cổ phần, tương đương 23,3% Vốn điều lệ).
PVOIL cũng giới thiệu ông Thanh để PVOIL Vũng Áng bầu vào HĐQT và bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Công ty này. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Cùng ngày, Tổng Giám đốc PVOIL Đoàn Văn Nhuộm cũng có văn bản gửi PVOIL Vũng Áng để thông báo về nội dung trên.
Ngay khi PVOIL ra quyết định nêu trên đã có những hoài nghi liên quan đến năng lực điều hành, quản lý của ông Hoàng Nguyên Thanh. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng PVOIL nên cân nhắc thật kỹ vì vốn nhà nước có nguy cơ mất an toàn bởi ông Thanh đã từng điều hành PVOIL Nam Định…
Theo Tạp chí Thương Hiệu và Pháp Luật, năm 2020, Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội đã đề nghị Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) xem xét xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến các tồn tại xảy ra ở một số đơn vị thành viên như: PVOIL Nam Định, Petes, PVOIL Bạc Liêu, PVOIL Bình Thuận, PVOIL Tây Ninh, PVOIL Phú Thọ, PVOIL Thanh Hóa...
Được biết, thời điểm đó ông Hoàng Nguyên Thanh làm Giám đốc PVOIL Nam Định. Trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 chỉ rõ, PVOIL Nam Định (mã chứng khoán PND - UPCOM) đạt 913,19 tỉ đồng doanh thu, giảm 41,82% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế của PVOIL Nam Định giảm 27.771,02% so với năm 2019, ghi nhận lỗ 45,57 tỉ đồng. Trong 4 năm gần liên tiếp, kết quả kinh doanh của PVOIL Nam Định sa sút mạnh.
Năm 2018, mặc dù doanh thu của PVOIL Nam Định đạt 1.690 tỉ đồng, tăng 22,84% so với 1.376 tỉ đồng năm 2017 nhưng lãi ròng lại giảm tới 45,1%, đạt vỏn vẹn 3,04 tỉ đồng. Năm 2019, doanh thu của PVOIL Nam Định giảm nhẹ 7,13% so với năm 2018, đạt 1.569 tỉ đồng nhưng lãi sau thuế lại lao dốc tới 94,59%, chỉ còn vỏn vẹn 160 triệu đồng.
Hiệu quả sử dụng vốn của PVOIL Nam Định liên tục giảm với ROE trung bình 3 năm gần đây chỉ 3,83%. Lỗ lũy kế của PVOIL Nam Định tình đến hết năm 2020 lên tới 46,63 tỉ đồng. Theo đó, vốn chủ sở hữu của PVOIL Nam Định bị ăn mòn mạnh, từ chỗ 76,07 tỉ đồng khi kết thúc năm 2019 đến cuối năm chỉ còn 26,7 tỉ đồng.
PVOIL Nam Định có vốn điều lệ là 66,67 tỉ đồng, trong đó cổ đông Nhà nước nắm giữ 56,75% cổ phần thông qua Tổng Công ty Dầu Việt Nam. Kết thúc năm 2020, cơ cấu vốn của PVOIL Nam Định đã bộc lộ sự mất cân đối, tiềm ẩn rủi ro khi hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên tới 4,65 lần. Như vậy, với tình trạng kinh doanh thua lỗ dẫn đến không bảo toàn được vốn như trên, Nhà nước đã thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Qua đó cho thấy bức tranh ảm đạm về hoạt động kinh doanh của PVOIL Nam Định.
Để xảy ra ra thua lỗ đó thì không thể không nói tới người đứng đầu của doanh nghiệp. Cụ thể là ông Hoàng Nguyên Thanh làm Giám đốc PVOIL Nam Định. Trong năm 2020, Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội đã đề nghị Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) xem xét xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến các tồn tại xảy ra tại doanh nghiệp này.
Tác giả: An Bình (TH)