BĐS thu hút mạnh nguồn vốn FDI
Theo Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – BĐS Dat Xanh Services (Đất Xanh Services), việc kiểm soát tốt dịch bệnh cùng các gói hỗ trợ kích thích nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng của Chính phủ đã tác động tích cực lên nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng.
GDP Quý 2/2022 ước tính tăng 7,72% theo quý, cao hơn tốc độ tăng của Quý 2 trong 10 năm qua. GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ của 2020 và 2021 nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2018 và 2019. So với một số nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được dự báo có tốc độ tăng trưởng GDP ở mức cao.
Điểm tích cực của tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm là lạm phát của Việt Nam đang được duy trì khá thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu theo giá nhiên liệu thế giới. Chỉ số lạm phát của Việt Nam thấp nhất khu vực ASEAN-7.
Việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 cùng với chính sách mở cửa du lịch, nối lại đường bay quốc tế, SEA Games 31 được tổ chức thành công là những yếu tố góp phần giúp du lịch sôi động trở lại. Chỉ trong vòng 6 tháng mở lại đường bay quốc tế (từ tháng 2/2022), lượng khách du lịch quốc tế ghi nhận khoảng 600.000 người, tăng 583% so với cùng kỳ năm ngoái, tạo sức bật mạnh mẽ cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm thực hiện ước đạt xấp xỉ 10 tỷ USD, cao nhất trong 6 năm qua, trong đó, BĐS giữ vững vị trí top 2 với 22% FDI.
Theo Viện nghiên cứu Kinh Tế - Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services, Việt Nam đang ở trong giai đoạn tiêu dùng bùng nổ với tỷ lệ dân số trong độ tuổi có nhu cầu và tài chính mua BĐS (45-50 tuổi) gia tăng mạnh. Đây chính là tiền đề để thị trường BĐS tăng trưởng vượt bậc trong những năm tới đây.
Đồng thời, các dự án cơ sở hạ tầng được triển khai cũng đã tác động mạnh đến thị trường BĐS như cao tốc Bắc Nam hoàn thành 58%; miền Bắc & miền Trung đẩy mạnh phát triển đường ven biển, đẩy mạnh phát triển cao tốc (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Bình Phước - TPHCM).
Nguồn cung bật tăng mạnh
Báo cáo của Đat Xanh Services cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, nguồn cung BĐS trên cả nước đã bật tăng mạnh trở lại, đặc biệt tại thị trường TP.HCM và thị trường miền Trung.
Cụ thể, tại thị trường BĐS Hà Nội, nguồn cung mới trong 6 tháng đầu năm ghi nhận hơn 8.300 sản phẩm, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2021. Căn hộ hạng B chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn cung mới, chủ yếu tại các dự án khu đô thị lớn, dẫn đầu là khu Đông với 62%, khu Tây 31%. Thị trường xuất hiện sự trở lại của phân khúc Nhà phố với gần 400 sản phẩm.
Tại thị trường BĐS các tỉnh lân cận Hà Nội (Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh), thị trường vẫn duy trì trạng thái hạn chế nguồn cung trong Quý 2 và 6 tháng đầu năm 2022, nguồn cung mới chỉ xuất hiện cục bộ tại một số địa phương. Nhà phố vẫn là sản phẩm chiếm tỷ trọng cao (>50%). Hưng Yên chiếm lĩnh nguồn cung mới nhà thấp tầng trong Quý 2 và 6 tháng đầu năm với trên 90% tổng nguồn cung mới. Trong đó, nhà phố là sản phẩm chủ đạo.
Thị trường BĐS TP.HCM ghi nhận nguồn cung căn hộ mới tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm với hơn 16.500 căn hộ, cao hơn 44% so với cả năm 2021. Thị trường tiếp tục ghi nhận sự sôi động từ khu Đông và khu Nam, trong đó khu Đông đóng góp hơn 90% tổng nguồn cung mới. Phân khúc hạng B chiếm lĩnh giỏ hàng với 88% tổng nguồn cung mới.
Phân khúc thấp tầng chứng kiến nguồn cung mới tặng mạnh trong 6 tháng đầu năm, đạt gần 600 căn, bằng cả năm 2021. Nguồn cung phân khúc thấp tầng chỉ ghi nhận tại khu Đông.
Tuy nhiên, số lượng dự án mới giảm mạnh do các khó khăn như thủ tục pháp lý, quỹ đất và nguồn vốn đầu tư dẫn đến tình trạng hạn chế dự án đủ điều kiện triển khai bán hàng. Cùng với đó, tâm lý khách hàng có nhiều e ngại khi nhiều ngân hàng siết chặt chặt tín dụng, chậm giải ngân.
Thị trường BĐS các tỉnh lân cận TP.HCM (Bình Dương, Đồng Nai, Long An), nguồn cung căn hộ tiếp tục chiếm đa số giỏ hàng mới, tuy nhiên số lượng dự án mới giảm so với cùng kỳ, thị trường hạn chế dự án mới. Nhiều dự án ban hành chính sách cam kết lợi nhuận để thu hút khách hàng.
Thị trường Đồng Nai cũng ghi nhận sự hạn chế dự án mới trong 6 tháng đầu năm, do nhà nước siết chặt quản lý bất động sản, thị trường chỉ giao dịch những dự án hiện hữu. Trong 6 tháng đầu năm, Long An ghi nhận sự nổi bật của các dự án đất nền ven Khu công nghiệp và các tuyến đường chính kết nối với khu vực lân cận.
Thị trường BĐS miền Trung ghi nhận nguồn cung căn hộ vượt trội trong Quý 1 tại các địa phương phát triển du lịch nghỉ dưỡng ở miền Trung. Trong khi đó, đất nền chiếm đa số giỏ hàng mới Quý 2. Đà hồi phục của thị trường miền Trung được ghi nhận rõ khi chứng kiến sự gia tăng nguồn cung trong Quý 2 với phân khúc thấp tầng tại Đà Nẵng, Quảng Nam, nhiều dự án mở bán giai đoạn tiếp theo sau thời gian ngưng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong 6 tháng qua, loại hình shophouse tập trung tại khu vực Phú Yên, Quảng Trị, dọc tuyến đường kết nối chính quy hoạch phát triển thương mại dịch vụ của các địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm, so với các khu vực khác nguồn cung mới thị trường BĐS miền Tây tương đối hạn chế, chủ yếu đến từ các dự án hiện hữu. Phân khúc đất nền chiếm ưu thế, phát triển dọc các tuyến đường kết nối chính, tuy nhiên số lượng dự án nhà liền thổ chiếm đa số giỏ hàng mới. Thị trường miền Tây ghi nhận loại hình căn hộ mở bán sau thời gian dài vắng bóng. Cần Thơ ghi nhận thị trường mở bán loại hình nhà liền thổ, do ban hành quy định siết tách thửa.
Tác giả: Hồng Đức