“Họ bảo tôi ký hợp đồng sửa đổi bổ sung là để đối phó với Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau 3 ngày sẽ hủy bỏ hợp đồng đó, nhưng chính họ lại dùng hợp đồng bổ sung mà tôi đã ký để khởi kiện tôi là hành vi vô đạo đức, thiếu trách nhiệm. Tôi có nhân chứng về sự việc trên nên sẽ không lo sợ, hơn nữa người làm chứng này từng giữ chức vụ quan trọng trong Ngân hàng Việt Á thời điểm tôi và đơn vị trên ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, Ngân hàng Việt Á đã vi phạm nghiêm trọng thông tư mà NHNN ban hành, lại ngang nhiên khởi kiện khách hàng của mình ra tòa thì thật là buồn cười”, đó là những bức xúc của ông Trần Văn Định.
Ngân hàng Việt Á đã vi phạm những gì?
Theo trình bày của ông Định, năm 2009, do có nhu cầu mua nhà ở và đầu tư bất động sản, ông được giới thiệu đến Việt Á Bank chi nhánh TP.HCM. Sau khi thỏa thuận, giữa ông và đại diện Ngân hàng Việt Á đã đi đến thông nhất ký kết hợp đồng tín dụng trả góp số 15/ĐS/09/HĐTG-BT (hợp đồng số 15). Hợp đồng này được ký kết ngày 15/4/2009, thể hiện rõ số tiền mà ông Định vay là 8 tỷ đồng, mục đích vay là thanh toán tiền mua nhà.
Đến ngày 20/11/2019, Giám sát, Thanh tra Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM đã gửi văn bản yêu cầu Ngân hàng Việt Á thu hồi nợ trước hạn đối với nhiều khách hàng do vi phạm các quy định tại thông tư 01/2009/TT-NHNN - Hướng dẫn về lãi suất thỏa thuận của tổ chức tín dụng đối với các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng, trong đó có ông Trần Văn Định.
Tuy nhiên, thay vì thông báo thu hồi nợ trước hạn cho ông Định biết, một số cán bộ Việt Á Bank đã liên hệ, tạo áp lực với ông Định nhằm mục đích đưa số tiền mà ông vay trước đó quy đổi ra vàng.
“Họ không nói cho tôi biết là hợp đồng của tôi với họ vi phạm quy định của nhà nước, họ chỉ giải thích do sàn vàng sắp đóng cửa nên cần sớm chuyển đổi toàn bộ số tiền mà tôi vay ra vàng nếu không họ sẽ tiến hành thu hồi nợ trước hạn đối với hợp đồng của tôi. Họ cũng nói là làm vậy để đối phó với thanh tra NHNN và 3 ngày sau sẽ hủy bỏ hợp đồng bổ sung chuyển tiền dư nợ sang vàng.
Lúc đó tôi hoàn toàn không biết chuyện gì đã xảy ra, mãi về sau tôi mới tá hỏa khi phát hiện Hợp đồng số 15 của tôi và Việt Á vi phạm thông tư của NHNN và đã bị thanh tra phát hiện, giải quyết. Nếu xét về lý, rõ ràng Ngân hàng Việt Á biết hợp đồng của tôi ký kết với họ là vi phạm, vậy tại sao họ còn cố tình ký với tôi, như vậy cũng có nghĩa là họ biết hành vi đó là vi phạm thông tư của NHNN nhưng mà vẫn cố tình vi phạm?”, ông Định bức xúc.
Chính vì những áp lực mà cán bộ Ngân hàng Việt Á tạo ra đối với mình, ngày 30/3/2010, ông Định đã ký vào Hợp đồng sửa đổi bổ sung số 29/10/CĐV-BT. Theo đó ông Định đồng ý quy đổi toàn bộ số tiền mà ông vay trước đó ra vàng.
Điều khiến ông Định bức xúc hơn là việc Ngân hàng Việt Á còn ngang nhiên qua mặt cả Thanh tra NHNN bằng văn bản số 284/CV/2010 ngày 05/04/2010. Trong văn bản gửi Thanh tra, Giám sát NHNN chi nhánh TP.HCM, Việt Á nêu rõ: “Ngân hàng Việt Á đã thu hồi nợ trước hạn đối với khách hàng Trần Văn Định, với số tiền 8 tỷ đồng, ngày thu hồi 30/3/2010”.
Trong khi đó, rõ ràng Ngân hàng Việt Á chưa thu hồi nợ đối với ông Định mà chỉ “gài bẫy” ông Định, bắt buộc ông phải chuyển đổi hợp đồng đã ký kết sang dư nợ bằng vàng.
Vừa khởi kiện yêu cầu khách hàng trả lãi bằng vàng, vừa bán nợ cho công ty quản lý tài sản
Sau đó, Ngân hàng Việt Á gửi liên tiếp nhiều thông báo yêu cầu ông Định trả lãi bằng vàng. Ông Định không đồng ý vì cho rằng Ngân hàng Việt Á cố ý “gài bẫy” ông, lợi dụng lòng tin của ông để trục lợi.
Đến ngày 7/1/2011, Ngân hàng Việt Á gửi đơn khởi kiện ông lên TAND quận 1 bằng hợp đồng số 15. Nội dung khởi kiện yêu cầu ông Định phải trả toàn bộ nợ gốc và số tiền lãi chính, lãi phát sinh bằng vàng. Đồng thời, yêu cầu Tòa chấp thuận việc Ngân hàng Việt Á phát mãi căn nhà mà ông Định đang ở nhằm thu hồi nợ.
Ngày 23/9/2011, TAND quận 1 đưa ra xét xử sơ thẩm công khai vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng Việt Á (ông Nguyễn Lô Giang là người đại diện theo ủy quyền) và bị đơn là ông Trần Văn Định.
Tại phiên tòa, mặc dù ông Định đã nêu rõ ràng việc Ngân hàng Việt Á cố ý vi phạm thông tư số 01/2009 của NHNN bằng hợp đồng số 15. Và, người làm chứng là ông Trần Kiến Quốc (ông Quốc là người làm chứng, từng là nhân viên của Ngân hàng Việt Á thời điểm ký kết hợp đồng với ông Định) cũng thừa nhận rằng có việc Ngân hàng Việt Á cố ý chuyển đổi hợp đồng đã ký kết với ông Định sang dư nợ bằng vàng, với mục đích qua mặt sự giám sát của Thanh tra NHNN.
Thế nhưng, TAND quận 1, vẫn buộc ông Định có trách nhiệm trả số nợ còn thiếu cho Ngân hàng Việt Á, bao gồm: 3.052,27 chỉ vàng SJC, lãi suất quá hạn là 4,481 chỉ vàng SJC. Tổng cộng là 3.303,038 chỉ vàng SJC.Không đồng ý với bản án sơ thẩm mà TAND quận 1 ban hành, ông Định sau đó đã kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, kháng nghị Giám đốc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho TAND quận 1 xét xử lại từ đầu theo đúng quy định. Đồng thời tuyên hợp đồng số 29 về việc chuyển đổi toàn bộ số tiền ông Định vay sang dư nợ bằng vàng là vô hiệu. Thế nhưng, trong nhiều lần xét xử sau đó không hiểu vì sao TAND quận 1 vẫn bảo lưu quan điểm và y án sơ thẩm lần thứ nhất?
Trong một động thái khác, mặc dù đang khởi kiện yêu cầu ông Định phải hoàn trả nợ bằng vàng, nhưng Việt Á Bank đồng thời lại có hành động bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Cụ thể, theo hợp đồng mà Phó Tổng giám đốc VAMC lúc đó là ông Đoàn Văn Thắng ký với Ngân hàng Việt Á thể hiện rõ: “Việt Á đồng ý bán và VAMC đồng ý mua các khoản nợ được quy định, là: Hợp đồng tín dụng số 15/ĐS/HDTD-BT ngày 15/04/2009; tên khách hàng: Trần Văn Định; giá trị khoản nợ là hơn 14.660.587.305 đồng.
Theo đó, Ngân hàng Việt Á đã bán khoản nợ theo hợp đồng số 15 đã ký với ông Định cho VAMC với giá 11.125.524.150 đồng. Tất cả được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.
Điều này khiến ông Định vô cùng bức xúc, bởi theo ông Hợp đồng số 15 đã ký kết với Ngân hàng Việt Á ngay từ ban đầu đã vi phạm thông tư của NHNN, và đã bị Thanh tra NHNN tuyên bố không có hiệu lực. Ngân hàng Việt Á biết điều đó nhưng vẫn cố tình vi phạm, rồi sử dụng hợp đồng không có hiệu lực đi bán lại cho một đơn vị khác.
“Họ làm như vậy là đi bán cái không có cho người khác. Tôi không biết họ dựa vào đâu mà bán khoản nợ trong hợp đồng giữa tôi và họ cho VAMC, trong khi tôi và họ đang ngồi ở Tòa án để phân biệt đúng sai. Bây giờ, tôi thật sự quá thất vọng về cách làm việc của đội ngũ lãnh đạo và nhân viên Ngân hàng Việt Á. Rõ ràng họ là người trong giới ngân hàng nên sẽ biết ký hợp đồng với tôi là vi phạm nhưng vẫn ký. Sau đó họ ép buộc tôi phải chuyển khoản nợ nói trên sang vàng cùng những lời hứa hẹn và lý do. Cả một hệ thống như thế mà đi “gài bẫy” những người dân chân lấm tay bùn như chúng tôi thì tôi thật sự thất vọng, mất hết niềm vào Ngân hàng Việt Á", ông Định phân trần.
Tác giả: Phong Vân