Trong báo cáo, FERI cho biết, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục trầm lắng. Từ đầu năm đến cuối tháng 5/2023 không có đợt phát hành TPDN riêng lẻ mới, tổng giá trị 5 tháng đầu năm 2023 chỉ bằng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét về sức khỏe doanh nghiệp, nhóm ngành kinh doanh BĐS có tốc độ doanh nghiệp giải thể cao nhất (tăng 30,4% theo năm), nhưng lại có tốc độ về số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất (61,4% theo năm).
Nửa đầu năm cũng là thời điểm doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức lớn. Trong tổng số gần 10.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát, nhằm thích nghi với các khó khăn hiện tại, 82,3% doanh nghiệp được hỏi cho biết dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. 83,7% doanh nghiệp đánh giá tiêu cực về triển vọng kinh tế năm 2023. Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp buộc phải thực hiện nhiều giải pháp để tối ưu chi phí, như đóng cửa các văn phòng, chi nhánh; trả mặt bằng kinh doanh; cắt giảm định biên; cắt giảm lương và các khoản phúc lợi của người lao động…

Nhìn chung, đa số các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường, đơn hàng, khó khăn trong cơ hội tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý, khó khăn trong việc giữ ổn định dòng thu và lợi nhuận, cũng như vướng mắc khi thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật.
Đối với BĐS, 6 tháng đầu năm 2023, thị trường đang tồn tại những thách thức lớn, từ những tác động bất lợi của tình hình kinh tế, chính trị, tài chính toàn cầu và trong nước, đến việc pháp lý BĐS vẫn còn bị thắt chặt, chưa có biện pháp cụ thể để tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Niềm tin thị trường vẫn chưa phục hồi mạnh khiến các bên tham gia thị trường đều gặp khó khăn.
Xét về nguồn cung bất động sản, thực tế nửa đầu năm 2023, nguồn cung căn hộ mới vẫn đang tiếp tục đà suy giảm. Các nút thắt pháp lý khiến nguồn cung mới tại Hà Nội và TP. HCM giảm lần lượt 89% tại TP.HCM và 91% Hà Nội so với năm trước. Theo đó, số lượng dự án mới được mở bán cũng giảm sâu. Nguồn cung hiện hữu chủ yếu đến từ các dự án đã triển khai nhiều năm trước, chiếm đến khoảng 90% tổng nguồn cung sơ cấp tại các vùng trọng điểm.
Nửa đầu năm, tổng nguồn cung sơ cấp tại các vùng trọng điểm của cả nước đạt khoảng 38.000 sản phẩm. Trong đó miền Bắc, bao gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng khoảng 14.300 sản phẩm. Miền Trung, gồm: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên khoảng 3.700 sản phẩm. Miền Nam, gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đạt 17.800 sản phẩm. Miền Tây, với Cần Thơ, Cà Mau, An Giang, Hậu Giang, Bến Tre , Vĩnh Long, Bạc Liêu khoảng 2.300 sản phẩm.
Những khó khăn kéo dài từ cuối năm 2022 đến nửa đầu 2023 được phản ánh rõ rệt qua các chỉ báo nguồn cung mới khan hiếm và tỉ lệ hấp thụ rất thấp. Xét chung toàn thị trường, tỷ lệ hấp thụ chung vào khoảng 10 - 15%, trong đó: miền Bắc hấp thụ được cao nhất, ở mức 15 – 20%; miền Trung và miền Tây có tỷ lệ hấp thụ rất thấp, chỉ khoảng 5%; còn khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận tỷ lệ hấp thụ dao động quanh mức 10 – 20%.
Ngoài ra, báo cáo của FERI cũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2023 dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022. Tăng trưởng tín dụng chậm lại do lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao khiến các doanh nghiệp hiện khá thận trọng với các khoản vay mới. Đồng thời, doanh nghiệp xuất nhập khẩu thiếu hụt đơn hàng mới, không mở rộng đầu tư, hay doanh nghiệp BĐS vẫn bị vướng mắc pháp lý, chưa triển khai bán hàng các dự án mới,…
Quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023, diễn biến tỉ giá USD/VND tiếp tục được đánh giá ổn định dưới sự điều hành khá hợp lý của nhà nước.
Tác giả: An Bình